Trang chủ / Thể Thao / Bóng Đá / Chuyện cũ của thầy Tô và điểm nổ lượt về

Chuyện cũ của thầy Tô và điểm nổ lượt về

Năm 2008, ĐT Việt Nam bước vào chiến dịch AFF Cup với hành trang toàn hoà và thua, HLV Calisto lúc ấy thậm chí đã phải lấy biểu quyết của học trò để phán quyết việc đi – ở của mình. Không phải ông thầy người Bồ không tin vào bản thân, mà ông muốn có sự thoải mái ở mức cao nhất với các học trò – những người sẽ đi cùng ông cả chặng đường chông gai phía trước.

vinh-2008_opt_srvv
Công Vinh ghi bàn mang về cho ĐT Việt Nam chức vô địch AFF CUP 2008.

Giá trị của niềm tinKết quả, 100% các cầu thủ nhất trí đề nghị thầy Tô ở lại. Họ hiểu những gì ông làm và hiểu con đường ông đưa họ đi không sai. Chuyện hoà – thua rồi lại thua – hoà trong các trận giao hữu, giải mời quan trọng với “ai đó” nhưng không quá quan trọng với tập thể những người am hiểu “bóng đá là gì”. Họ tin vào năng lực của người dẫn đường, đó là thầy Tô.

Sau này, khi nhớ lại khoảnh khắc “đánh bạc” với vị trí của mình, thầy Tô vẫn xuýt xoa nhắc lại và coi đó như một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của ĐT Việt Nam. Thầy Tô gọi đấy là quyết định sáng suốt của tập thể những người đàn ông và “quên mất”, chính ông mới là người đưa ra sự kiên định từ đầu đến cuối. Ông chấp nhận ở lại cùng các học trò nhưng không thay đổi tư duy bóng đá, cũng không thoả hiệp với cách điều binh khiển tướng của mình.

Suốt hành trình AFF 2008, HLV Calisto tạo cho các cầu thủ tư tưởng thoải mái nhất. Ngay cả khi ĐT Việt Nam thua trận đầu trước Thái Lan với tỉ số 0-2, ông vẫn mở lòng tối đa với các học trò, bình thản đón nhận búa rìu chỉ trích. Thậm chí, có nguồn tin lúc ấy cho rằng, nhiều người có quyền muốn thay ông sau trận đấu ấy, như cách người ta làm với HLV Tavares ở Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Cup). Người ta sợ nếu muộn, mọi thứ sẽ không ủng hộ “những cái chân ghế” trước cơn bão dư luận đang ào ào phản ứng.

Tuy nhiên, một lần nữa niềm tin của nội bộ đội tuyển, của các cầu thủ chủ chốt đã khiến lãnh đạo lưỡng lự trong việc ra quyết định và thầy Tô tạm an toàn khi chưa bị “sờ” đến. Những trận tiếp theo, ĐT Việt Nam thắng và may mắn lọt vào bán kết, trong đó có trận thắng kịch tính trước Malaysia bằng bàn thắng “chưa từng có trong lịch sử AFF Cup” từ pha phá bóng của tiền vệ Nguyễn Vũ Phong.

ĐT Việt Nam bước vào bán kết trong tâm thế hy vọng và bàn thắng duy nhất của Quang Hải đã đưa chúng ta vào chung kết với người Thái. Thầy Tô lúc ấy vẫn giữ vẻ sôi nổi, nhưng điềm tĩnh. Ông không coi đấy là thành tích gì lớn lao mà coi đó là “chuyện phải đến ắt đến”.

Đêm trước trận thư hùng với Thái Lan trên xứ sở chùa Vàng, HLV Calisto gần như thức trắng. Ông hẹn một vài người bạn mà mình tin tưởng vào giờ khuya. Trong từng câu nói, ông vẫn giữ sự kìm nén, sự thận trọng nhưng ánh mắt thì rạng rỡ niềm tin. Ông bảo: “Ngày mai, ĐT Việt Nam không biết có làm hài lòng khán giả về tính cống hiến hay không, nhưng đấy sẽ là trận đấu hiệu quả nhất của chúng tôi”. Nói xong, thầy Tô nhíu mày, nhếch mép cười nhẹ. Một nụ cười bí hiểm, đặc tả nội tâm của người đàn ông có dòng máu Latin…

Ngày hôm sau, ĐT Việt Nam quả nhiên chơi một trận kiên cường. Vũ Phong cắt mặt đánh đầu mở điểm sau cú thoát xuống cánh trái của Tấn Tài. Sau đó cũng lại là Tấn Tài “cảm tử” trong tình huống không chiến giữa sân, đưa bóng đến chân Việt Thắng. Tiền đạo có lối chơi dũng mãnh này dốc xuống thật nhanh, trả ngang cho Công Vinh đợi sẵn phía trong. Khung thành rộng mở và Công Vinh không bỏ lỡ món quà của đồng đội.

Đêm Rajamangala ngày 24.12 năm ấy, thầy trò HLV Calisto đã tạo ra chiến tích “vô tiền khoáng hậu”: Thắng Thái trên đất Thái, điều mà trước đó chưa thế hệ nào làm được từ ngày hội nhập trở lại năm 1995. ĐT Việt Nam đã viết lên câu chuyện “Đêm Giáng sinh trên xứ sở chùa Vàng” chưa chắc hay nhất nhưng đích thị là rực rỡ và hiệu quả nhất. Thầy Tô đã giữ lời hứa, đưa đội trở về Hà Nội với niềm tin mãnh liệt của hàng triệu người hâm mộ.

Chúng ta không cần nói thêm về bàn thắng đóng đinh tên tuổi của Lê Công Vinh ở phút bù giờ trận chung kết lượt về, vì khoảnh khắc khiến Mỹ Đình nổ tung ấy đã được dựng tượng trong lòng các CĐV cuồng nhiệt. ĐT Việt Nam lên ngôi trong biển người nổ tung trong hạnh phúc. Hình ảnh thầy Tô với lá cờ đỏ sao vàng trên đầu hiện lên như một chiến binh mang dòng máu Lạc Hồng.

Sau giải, thầy Tô khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa khi nói về chiến tích AFF Cup 2008. Ông úp mở rằng, suốt quá trình chuẩn bị và cả khi vào giải, ông “chỉ đánh ván cờ to nhất với Thái Lan”, còn các đối thủ khác thì… như nhau. ĐT Việt Nam đủ sức thắng bằng năng lực và sự tập trung. Người Thái mới là rào cản lớn nhất!

Indonesia và bài học 8 năm trước

Câu chuyện của thầy Tô 8 năm trước đến giờ vẫn còn nóng hổi. Indonesia hôm nay không khác gì Indonesia của quá khứ. Họ vẫn là đối thủ ĐT Việt Nam có thể tự mình quyết định mà chẳng phải “đánh cờ ván to” như với Thái Lan.

Trận lượt đi, cơ bản Indonesia không trội hơn thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Vấn đề chỉ là chúng ta sơ suất. Indonesia bước vào trận lượt về này sẽ không còn nanh vuốt như trận lượt đi. Họ không thể chơi hùng hổ và khí thế như trên sân nhà. Họ cũng chẳng thể ăn thua đủ bằng sức mạnh va chạm lẫn chủ động đá rắn. Mỹ Đình khác với Pakansari cả về địa hình lẫn sức ép. ĐT Việt Nam, nói không quá, chỉ cần điều chỉnh hợp lý nhân sự và bình tĩnh ứng phó là đón nhận thành quả không tồi.

Indonesia bản chất vốn là đội bóng đá theo cảm xúc. Điểm yếu nữa của họ là khả năng chấp hành đấu pháp không cao, sự kiên định cũng ở mức thấp. Cho nên, HLV Hữu Thắng và các học trò cứ nhớ lại bài học thầy Tô và lập luận của ông 8 năm trước. Indonesia không cùng đẳng cấp với Thái Lan nên chuyện xoay chuyển cục diện với ta là có. Vấn đề chỉ là cách chơi, tinh thần và sự tỉnh táo trước các tình huống thực tế là chúng ta có thể tạo ra “điểm nổ” ở lượt về.

Lực lượng hiện tại trong tay HLV Hữu Thắng đủ để biến bất lợi sít sao thành chuyện tất nhiên phải xảy ra!