Trang chủ / Văn Hóa / Ẩm Thực / NSƯT Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: “Không có nguyên tắc nào cho sự thành công!”

NSƯT Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: “Không có nguyên tắc nào cho sự thành công!”

Nhà hát Ca Múa Nhạc VN – tiền thân là Đoàn văn công Nhân dân Trung ương – được thành lập cách đây 65 năm. Có thể nói đây là một đoàn nghệ thuật lớn nhất, lâu đời nhất của VN – nơi tập trung và khởi nghiệp các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên là các nghệ sĩ lớn, các bậc giáo sư, đứng đầu các ngành nghệ thuật sau này.

1

Qua 65 năm thành lập và phát triển, Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương luôn là nơi quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng VN. Nhà hát cũng là nơi ra đời (khởi xướng, đặt nền móng) nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn ca, múa, nhạc lần đầu tiên xuất hiện ở VN, hiện vẫn tồn tại phổ biến trong đời sống nghệ thuật nước ta như: Độc tấu nhạc cụ dân tộc; hòa tấu nhạc cụ dân tộc; hòa tấu dàn nhạc giao hưởng; nhạc kịch; tốp ca; hợp xướng; múa dân gian dân tộc… Nhà hát đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ động viên tinh thần nhân dân, quân đội trong kháng chiến, mà còn góp phần làm nhịp cầu đưa văn hóa VN ra thế giới, làm rạng rỡ nền văn hóa VN qua những chuyến biểu diễn ở nhiều nước.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, có người gọi “Gánh hát cung đình” vì một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nhà hát là phục vụ các sự kiện chính trị lớn, các sự kiện mang tính ngoại giao của đất nước, nhưng từ 2 năm nay, Nhà hát đã tự chủ hoàn toàn về tài chính. Làm thế nào để từ bỏ sự bao cấp, bước vào một thị trường cạnh tranh khá khốc liệt hiện nay? NSƯT Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát cho biết:

– Hiện nay, khó có thể có một đội ngũ nghệ sĩ lớn nhất tập trung ở đây như ngày xưa, vì nay mô hình hoạt động nghệ thuật khác rồi, không giống như ngày xưa nữa. Trải qua nhiều năm phục vụ ở 2 cuộc kháng chiến, rồi chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội Nhà hát đã nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, hoàn cảnh càng ngày càng khó khăn hơn, nhất là từ hai năm nay Nhà hát đã tự chủ hoàn toàn về kinh tế. Hoàn cảnh nào cũng có cái được, cái không được. Lúc trước Nhà hát lúc nào cũng đi tiên phong trong việc định hướng, nhưng giờ điều này không còn phù hợp với nhu cầu thưởng thức của xã hội. Cơ chế thị trường thì tất cả mọi hoạt động phải trở thành sản phẩm, mà đã là sản phẩm thì phải có trao đổi. Đó chính là thương mại hóa. Do đó, Nhà hát phải tiếp cận với xã hội theo xu hướng là sản xuất những sản phẩm mà xã hội có nhu cầu.

Và như thế, kho dữ liệu nghệ thuật lớn cũng như nguồn nhân lực “gạo cội” của Nhà hát thời bao cấp có còn phù hợp, thưa ông?

– Hiện nay Nhà hát có hai mặt phải thường xuyên duy trì: Đảm bảo nghệ thuật dân tộc truyền thống, lưu giữ nó, phát triển nó theo một cách thể hiện mới. Nhà hát có đoàn nghệ thuật Âu Cơ chịu trách nhiệm về mảng âm nhạc truyền thống này và vẫn phải thường xuyên phục vụ các sự kiện chính trị, đặc biệt là các chương trình của Nhà nước chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài. Cho đến bây giờ có thể nói việc này Nhà hát vẫn đảm nhiệm rất tốt. Mảng thứ hai là Đoàn nghệ thuật Phương Đông tức là đoàn nghệ thuật đương đại, phải sản xuất các sản phẩm tiếp cận với công chúng thông qua trao đổi bán vé, hợp đồng, đồng thời phải phục vụ các sự kiện xã hội như các ngày lễ lớn của đất nước hay các sự kiện xã hội như các kỳ cuộc thể thao, các lĩnh vực khác mang tầm nhà nước, Nhà hát vẫn phải tham gia. Trong đó không thể thiếu được mảng âm nhạc cách mạng, vì nó vẫn song hành với các kỷ niệm của đất nước. Đây cũng là điểm mạnh của nhà hát.

Thưa ông, vậy đâu là “mảng” thương mại hóa của Nhà hát?

– Mảng tiếp xúc với công chúng, đặc biệt là giới trẻ là một khó khăn, khi các nghệ sĩ thành đạt nhiều năm đồng nghĩa là họ đã nhiều tuổi, và như thế để họ có những sản phẩm cho giới trẻ là một khó khăn không dễ vượt qua. Vì thế phải có một bước đột phá, xây dựng lớp kế cận. Trong 3 năm nay Nhà hát đã có phương hướng được lãnh đạo bộ chấp nhận: Tuyển dụng và Đào tạo. Một là tuyển trực tiếp, hai là tuyển từ các cơ sở đào tạo đã có để tiếp tục đào tạo. Hiện nay đã có một lực lượng diễn viên trẻ (ca, múa và nhạc) được gửi đến các cơ sở đào tạo lớn như Học viện Âm nhạc QGVN, trường Múa VN, trường ĐH Nghệ thuật Quân đội… đào tạo theo hướng của mình.

Cụ thể, “theo hướng của mình” là như thế nào, thưa ông?

– Quan điểm của tôi là Nhà hát vừa phải phục vụ công chúng, nhưng vẫn vừa phải giữ được tầm vóc riêng của mình. Đó cũng là một thử thách, bởi phải lựa chọn để cho công chúng thích chương trình nhưng vẫn phải giữ được bản ngã của mình. Nhất định trong sản phẩm của mình phải có những điều mà giới trẻ họ thích nhưng nếu nóng vội, để cho giới trẻ thích ngay thì có thể dễ dàng đánh mất mình.

Là giám đốc, nhưng cũng là nghệ sĩ, lại phải lo “cơm, áo, gạo, tiền” cho hơn 100 con người, ông cảm thấy thế nào?

– 2 năm qua khi bắt tay vào tự chủ, có nhiều việc hơn mình tưởng, không chỉ đơn thuần là tập các tiết mục mới để đến với công chúng thông qua việc bán vé. Thu xếp cho một nguồn nhân lực cũ, chuẩn bị cho một nguồn nhân lực mới, bên cạnh đó năm 2015 có rất nhiều sự kiện lớn, Nhà hát vẫn phải phục vụ… Đầu tiên phải thay đổi tư duy trong từng con người vì khi ra tự chủ thì có nghĩa là các bạn bè, các đồng nghiệp, các nghệ sĩ lớn – trước kia được Nhà nước trả lương. Giờ thì do chính Nhà hát trả lương. Để thay đổi tư duy cần có cả một quá trình chứ không phải đơn giản có văn bản có quyết định là xong. Nghề này, môi trường hoạt động đòi hỏi người ta cần có thời gian để hiểu, để thấm và chia sẻ và điều đó phải biến thành tình cảm của họ để họ biểu diễn hay hơn. Đây chắc chắn là bước chuyển đổi khó khăn đòi hỏi không ít thời gian. Có thể có những người ba bốn chục năm làm ở nhà hát và đã từng lăn lộn các chiến trường và bỗng bây giờ phải đứng ở bên lề thì cũng cảm thấy tủi thân chứ… nhưng cuối cùng thì họ cũng hiểu đó là quy luật. Đó là điều quý giá nhất và may mắn nhất mà ban lãnh đạo nhận được từ phía anh em chia sẻ thông qua việc động viên cho lớp trẻ tham gia nhiều hơn, nhường sân khấu cho lớp trẻ nhiều hơn, sẵn sàng làm thêm việc khác. Tuy nhiên, may mắn không phải là thành công. Thay đổi được tư duy rồi thì có thay đổi được hành vi hay không? Khán giả luôn đòi hỏi phải có cái gì mới cho họ xem.

Như ông nói, Nhà hát vẫn phải đảm nhận phần nghệ thuật dân gian để phục vụ các sự kiện ngoại giao, vậy, lấy gì để “nuôi” đoàn nghệ thuật này?

– Trong tương lai, không thể dựa vào các sự kiện mãi được, phải đối diện với sự thực. Đoàn nghệ thuật Âu Cơ hàng năm vẫn phải thay đổi diện mạo sân khấu, hòa thanh… để làm sao vẫn những bài truyền thống ấy nhưng phải được làm mới, rồi cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực mới. Đối với mảng dân tộc thì phải lấy cái nọ bù với cái kia. Chúng tôi cũng đang đề nghị Nhà nước phải đầu tư. Tất nhiên bảo vệ phải có ích… Đối với nghệ thuật truyền thống, để biến thành sản phẩm trao đổi thì rất khó vì giới trẻ không quan tâm. Đây có thể là do lỗi giáo dục – hàng chục năm nay rồi, giới trẻ đâu biết nó là cái gì để mà thích, để mà thưởng thức? Họ không tìm những thứ mà họ không biết.

Nguyên tắc quản lý điều hành của giám đốc – nghệ sĩ như ông là thế nào?

– Làm giám đốc thì cũng chả có gì khác nhau nhiều so với làm nghệ sĩ vì trước khi làm Giám đốc chúng tôi là đồng nghiệp, đã có hàng chục năm công tác với nhau rồi. Không thể vì những lợi ích trước mắt mà “hất” họ đi đâu được vì tất cả cùng chiến đấu. Vinh quang hôm nay đều có sự đóng góp của tất cả mọi người thì làm sao mình rời bỏ họ được? Chỉ có điều bây giờ chia sẻ với nhau bằng cách một người cầm cái này, nhưng giờ không đủ sức cầm cái nhẹ hơn, rồi nhẹ hơn nữa hoặc sẵn sàng làm việc gì đó. Miễn là vẫn đứng ở con tàu này và cùng làm việc. Cá nhân tôi tự nhận là người bảo vệ thôi: Bảo vệ quyền lợi của anh chị em, bảo vệ nghề nghiệp, đời sống cho họ thông qua những việc làm thiết thực, thế thôi.

Ông có cho rằng, những việc làm của mình hiện nay là hướng đi đúng và sẽ thành công?

– Không biết trước được, tôi cứ làm như con tim mách bảo vì xuất thân tôi không phải là nhà quản lý. Có nghĩa là quản lý bằng nghệ thuật, bằng quy tụ. Buộc phải tính toán về kinh tế thì cùng nhau tính toán. Lấy biểu mẫu của âm nhạc ra mà đo… Âm nhạc đòi hỏi sự chuẩn xác cao, rất cao nên nó có nguyên tắc để đưa ra một sản phẩm đúng. Nhưng không có nguyên tắc nào cho sự thành công cả.

Hiện nay, Nhà hát đang đưa CLB Âu Cơ vào hoạt động. Đây có thể coi là một khu vườn âm nhạc hay một sân khấu nhỏ (khoảng 200 người). Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cho từng ngày trong tuần – thứ Hai: Thính phòng, thứ Ba: Chuyên đề dân gian, thứ Tư: Chuyên đề các bài hát cách mạng, thứ Năm: Trữ tình, thứ Sáu: Khám phá (tất cả các hình thức mới mẻ có thể có sự kết hợp giữa nhạc jazz, nhạc rock với nhạc dân tộc); thứ Bảy, Chủ nhật, là nhạc trẻ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Báo Lao động