Trang chủ / Đời Sống / Dinh Dưỡng - Làm Đẹp / Thân khỏe, tâm an……

Thân khỏe, tâm an……

Có phải “Thân khỏe, tâm an và trí tuệ minh” là mục đích của cuộc đời chúng ta? Không ai mà không muốn đạt được ba điều này…. 

10-23-20_tr39

Bằng cách nào để đạt được mục đích này? Tạo hóa tuyệt vời lắm. Tạo hóa đã sinh ra ta. Tạo hóa sẽ biết ta muốn gì. Và tạo hóa sẽ chỉ đường cho ta đi. Việc quan trọng còn lại là ta có thực sự muốn những điều đó không? Phải là ước muốn mãnh liệt, chân thành, sâu sắc, to lớn, thường trực và cấp bách. Thông thường, phàm nhân làm những việc có tính chất này trước. Chẳng hạn nhà cháy là việc cấp bách nên phải chữa cháy trước. Chúng ta lấy tiền, lấy danh vọng để đổi “sức khỏe”, đổi “tâm an lạc”, đổi “trí tuệ sáng suốt” được không? Khó như việc bắc thang lên trời. Vậy mà hầu hết mọi người hiện nay đều chú trọng vào việc làm ra tiền và tạo danh vọng mà ít chú ý đến “thân khỏe, tâm an”. Đến khi giật mình nhìn lại và nhận ra thì đã muộn mất rồi. “Thân” đã “già” rồi, bệnh nặng rồi, không còn thời gian để sữa đổi nữa. Thân không khỏe, tâm không an, thì không thể nói đến trí tuệ minh được. Vô minh vây chặt lấy ta. Thật sự không có ý lên án việc làm ra tiền hoặc việc nổi danh mà chỉ muốn nói rằng phải chú ý đồng thời đến việc tạo dựng sức khỏe, tâm an vui. Chúng ta cùng lúc làm được tất cả mà, đừng để thiên lệch. “Thân khỏe” là thân khỏe mạnh lâu dài, không bị bệnh tật. Lâu dài là từ bây giờ cho đến cuối đời. “Thân khỏe” là thân không biết mệt mỏi dù làm việc từ sáng đến tối, dù việc nặng hay việc nhẹ, dù việc đơn giản hay phức tạp, thậm chí dù không làm gì trong nhiều ngày. “Thân khỏe” là thân ăn gì cũng ngon, một món cơm thiu để bảy ngày ăn cũng ngon. Hãy xem một người bệnh, họ ăn bất kỳ món nào cũng không thấy ngon. Như vậy còn món nào ta ăn không thấy ngon là thân chưa khỏe mạnh hoàn toàn. “Thân khỏe” là thân ngủ ngon, không hề có mộng mị. Nằm xuống trong 5 phút là ngủ được ngay. Nằm quá 5 phút mà chưa ngủ là thân chưa khỏe. Ông bà mình nói “ăn được, ngủ được là tiên”. Ăn không được, ngủ không được vừa tốn tiền vừa mất thời gian. Thước đo sức khỏe của ông bà mình thật đơn giản, rất rõ ràng và ai cũng hiểu được. Hơn ngàn năm trước, Trang Tử đã viết trong Nam Hoa kinh về nuôi dưỡng cuộc sống khỏe mạnh: “Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam”, nôm na “Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, hít thở thật sâu”. “Tâm An” là tâm không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh bên ngoài, dù cảnh thuận hay nghịch. Tâm luôn an lạc, tự tại. Sự thật là vậy nhưng chúng ta không chấp nhận và đổ lỗi do ngoại cảnh. Ngoại cảnh làm ta buồn, ngoại cảnh làm ta vui. Như vậy ta trở thành trò chơi trong tay của ngoại cảnh. Khi ngoại cảnh muốn ta vui, liền cho ta vài lời khen, làm ta vui lên. Khi ngoại cảnh muốn ta buồn, lại chê ta vài điều, làm ta buồn xuống. Ai chọc, ta có giận không? Ta giận là tâm không an lạc. Có việc gì đó xảy ra làm chúng ta lo, vậy là tâm không an lạc. Sợ mất cái gì đó là tâm không an lạc. Mọi thứ xảy ra cứ để nó xảy ra như vậy. Một vị sư giảng rằng khi ngửi mùi thơm, chúng ta cố lưu giữ mùi thơm được không? Chắc chắn là không được. Đến khi ngửi phải mùi thúi, chúng ta cố xua đi được không? Cũng không được. Rồi mùi thơm, mùi thúi cũng biến mất như qui luật tự nhiên: “có sinh ra thì có mất đi”. Cố lưu giữ hoặc cố xua đuổi là trái với qui luật tự nhiên, làm cho ta mất năng lượng vô ích. Nếu mùi thúi dính vào mũi ta thì ta không thể ngửi thấy mùi thơm. Trong khi đó, ta ngửi được cả mùi thơm và mùi thúi một cách tự nhiên. Như vậy không có cái gì dính vào ta cả mà chỉ vì ta cho nó dính vào ta mà thôi. Ta cho dính cái vui thì ta vui, đến khi ta cho dính cái buồn thì ta khổ. Khi ta không để dính vào bất kỳ thứ thì tâm an lạc xuất hiện một cách tự nhiên. Muốn cho tâm an thì thân phải khỏe. Thân mà bị bệnh thì tâm sẽ dao động bất an. Khi đau răng, đau bụng thấy rất khó chịu, bất an. Nếu bị trầm cảm thì lúc nào cũng u uất, buồn phiền, chán nãn, đôi lúc chán sống nữa. Nếu bị ung thư thì như án tử hình treo trước mặt. Thân bệnh thì không thể nào có một chút vui nói chi đến an lạc. Chúng ta phải dưỡng thân là vậy. Các vị minh sư dạy rằng thân tâm là một, thân là biểu hiện hữu hình của cái tâm, còn tâm là biểu hiện vô hình của cái thân. Như vậy, dưỡng thân tức là dưỡng tâm và dưỡng tâm cũng chính là dưỡng thân. “Trí tuệ Minh”. Thân khỏe, tâm an thì trí tuệ mới minh. Trí tuệ sáng suốt là biết nên làm gì và biết không nên làm gì. Trí tuệ sáng suốt là biết được hành động hôm nay sẽ có kết quả gì cho ngày mai, cho mười năm tới, thậm chí trăm năm tới hoặc tỷ năm tới. Trí tuệ càng sáng suốt thì sự suy lường càng xa, càng rộng. Người có trí tuệ sáng suốt sẽ nhìn thấy được “không quan trọng của ta hay của người”. Khi mình cho rằng cái này, cái kia là của ta, tiền này, nhà kia là của ta thì ta sẽ khổ. Đến khi có bệnh thì bệnh này là của ta chắc chắc luôn, cái khổ cũng của ta luôn. Ít ai dám nhận bệnh này là của ta, cái khổ này là của ta, nên ta tìm cách chữa trị bệnh và tìm cách đẩy cái khổ cho người khác. Nếu nhận “là của ta” thì phải nhận hết, chứ cái nhận cái không là bất công. Tự nhiên luôn luôn công bằng. Trí tuệ bảo thôi thì đừng nhận cái gì cả, cũng đừng từ chối cái gì cả, cứ để tự đến tự đi đúng như qui luật tự nhiên. Như vậy sẽ an vui và phúc lạc. Thân, tâm và trí luôn có liên hệ mật thiết với nhau, luôn có tác động qua lại theo vòng xoắn ốc. Thân càng khỏe thì tâm càng vui, tâm càng vui thì trí tuệ càng sáng, trí tuệ càng sáng thì thân càng khoẻ. Cũng có thể nói thân, tâm, trí là một thể thống nhất, không thể tách rời nhau. Cơ thể khỏe mạnh, không biết mệt mỏi, sẽ làm được nhiều việc. Tâm an vui dễ hòa đồng với mọi người và được mọi người yêu quí. Trí tuệ minh sẽ có nhiều sáng tạo và nhiều giải pháp. Kiến tạo được ba điều này đồng nghĩa với xây dựng được cuộc sống hạnh phúc với gia đình hòa thuận, sự nghiệp vững bền và có được cảm tình của nhiều người. Người có trí tuệ sáng suốt biết ăn đúng với qui luật tự nhiên, biết ăn thực phẩm nào có lợi cho sức khỏe, có lợi cho mọi người. Ăn theo thực dưỡng là ăn đúng theo qui luật tự nhiên, ăn thức ăn của loài mình và không ăn thức ăn của loài khác, ăn thức ăn đúng theo hệ tiêu hóa của con người. Ăn đúng sẽ đạt được trí tuệ minh, đạt đến trí phán đoán tối cao, nhận ra trật tự vũ trụ như Tiên sinh Ohsawa chủ xướng. Ăn theo thực dưỡng là để kiến tạo sức khỏe, để hàm dưỡng tâm hồn và để phát triển trí tuệ. Đây chính là ý nguyện của tiên sinh Ohsawa và cũng là tâm nguyện của mỗi người….