Trang chủ / Đời Sống / Trẻ bị tổn thương như thế nào khi chứng kiến bạo lực trong gia đình?

Trẻ bị tổn thương như thế nào khi chứng kiến bạo lực trong gia đình?

Thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ chửi mắng nhau, đánh đập nhau làm trẻ chuyển sang sống khép mình, không chia sẻ với mọi người, không tin tưởng bố mẹ và rơi vào tình trạng tự kỷ ám thị.

Hình ảnh người chồng trẻ đã thẳng tay đấm đá, giật tóc vợ trước mặt con nhỏ ngay trên phố ở Hà Nội, còn cậu con trai đứng bên cạnh khóc thét, chứng kiến toàn bộ cảnh tượng dã man được đăng tải trên mạng làm cộng đồng mạng dậy sóng.

Chia sẻ  về những ảnh hưởng tâm sinh lý mà trẻ gặp phải khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình ThS.BS tâm lý Nguyễn Hồng Bách cho rằng: “Khi chứng kiến cha mẹ đáng cãi chửi nhau, tùy từng độ tuổi mà trẻ sẽ có những phải ứng và ảnh hưởng về tâm sinh lý khác nhau.

Chứng kiến bố mẹ đánh nhau, cãi nhau, trẻ dễ rơi vào tình trạng tự kỷ ám thị, không còn đặt niềm tin vào bố mẹ. Ảnh minh họa

Với trẻ nhỏ, các cháu dễ rơi vào tình trạng tự kỷ ám thị, không còn đặt niềm tin vào bố mẹ. Tôi đã từng điều trị cho một bé trai 7 tuổi bị tự kỷ ám thị. Trẻ bị bệnh là do chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.

Trong lúc bố mẹ bé cãi nhau, mẹ cháu đã cầm cái gạt tàn thuốc lá ném vào đầu bố cháu.

Cậu bé 7 tuổi sau khi chứng kiến hành vi bạo lực đó của người mẹ đã chuyển sang sống khép mình, không chia sẻ với mọi người, có biểu hiện tự kỷ ám thị”.

Phân tích thêm về những ảnh hưởng tâm lý mà trẻ sẽ gặp phải khi chứng kiến bố mẹ đánh nhau, chửi mắng nhau, bác sĩ Bách cho biết, với độ tuổi từ 3 – 6 tuổi trẻ sẽ có xu hướng can ngăn bố mẹ và khóc. Ở tuổi này bé thường ôm mẹ mà không ôm bố dù bình thường rất yêu quý bố.

Trẻ bị tổn thương như thế nào khi chứng kiến bạo lực trong gia đình?

ThS.BS tâm lý Nguyễn Hồng Bách

Khi chứng kiến bố mẹ đánh nhau, chửi mắng nhau, trong giấc ngủ của trẻ sẽ gặp lại những cơn mơ tương tự. Đấy là những ảnh hưởng thần kinh trực tiếp, gây rối loạn tâm sinh lý, rối loạn giấc ngủ của trẻ.

Về mặt gián tiếp, những hành vi bạo lực, những lời nói không hay sẽ để lại một vết đen ở trong trí não trẻ. Trẻ thấy cuộc sống gia đình không có sự ổn định, không có được sự vui vẻ, hạnh phúc.

Điều đó sẽ tạo ra sự nghi ngờ nhất định của trẻ đối với bố mẹ. Khi nghi ngờ như vậy sẽ biến đổi tâm sinh lý của trẻ, có thể từ một đứa trẻ rất tự tin biến thành đứa trẻ thiếu tự tin và ngại giao tiếp với mọi người.

Thậm chí, có không ít trường hợp trẻ bị sốc trực tiếp, sau một trận đánh cãi chửi nhau của bố mẹ trẻ không giao tiếp với mọi người.

Đối với lứa tuổi từ 7 – 9 tuổi, nếu phải chứng kiến bạo lực gia đình trẻ sẽ tìm cách phản kháng coi đó là một tiền đề để không nghe theo lời của bố mẹ. Điều này tạo ra thói quen xấu cho trẻ, lâu dần trẻ không định vị được hành vi của mình.

Còn đối với trẻ từ 10 tuổi trở lên, trẻ sẽ có nhiều trạng thái xảy ra. Trẻ có thể không quan tâm đến chuyện của bố mẹ. Hoặc nếu trẻ quan tâm thì trẻ lại có những nhìn nhận riêng để lựa chọn mình sẽ bênh vực ai, đứng về phía bố hay mẹ.

Đôi khi ở lứa tuổi này trẻ sẽ kệ và không quan tâm đến chuyện của bố mẹ và sống theo cách sống của riêng mình.

Trẻ bị tổn thương như thế nào khi chứng kiến bạo lực trong gia đình?

Khi xảy ra xung đột giữa bố mẹ trước mặt con cái sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách trẻ sau này. Ảnh minh họa

Điều đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra xung đột giữa bố mẹ trước mặt con cái, dẫn đến đánh nhau, cãi nhau là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Khi thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt con, trẻ em sẽ học được rằng cãi nhau là cách giải quyết vấn đề. Từ đó trẻ em sẽ bắt chước cha mẹ và giải quyết các vấn đề cá nhân của mình bằng cãi vã và đánh nhau.

Hành vi hung hăng này có thể khiến trẻ gặp rắc rối ở trường học hoặc trong một cộng đồng xã hội, ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè của trẻ.

“Khi trẻ sống và tiếp xúc trong môi trường bạo lực, có 2 hướng phát triển tâm lý của trẻ. Trong đó đa số trẻ sẽ dùng bạo lực để giải quyết bạo lực, xu hướng này chiếm khoảng 75 – 80%.

Số ít còn lại, khoảng 25%, trẻ phát triển bình thường, do não bộ của trẻ hoạt động tích cực, nơron thần kinh tái tạo hợp lý thì trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng số trẻ có nơron thần kinh tái tạo hợp lý lại rất ít.

Vậy nên, về một góc nào đó, trẻ tiếp xúc nhiều với bạo lực thì sẽ hình thành yếu tố tội phạm của trẻ ngay từ lúc nhỏ, bị cài đặt trong não yếu tố tội phạm” – BS Bách cho biết thêm.

Để con cái phát triển toàn diện, người làm bố, làm mẹ cần có những lưu ý nhất định. Trong đó, việc vợ chồng cãi nhau trước mặt con cái là điều nên tránh.

Bởi nhìn thấy bố mẹ cãi nhau nhiều sẽ hình thành nên một tâm lý không tốt cho con trẻ. Khi cha mẹ biết tranh luận một cách lịch sự, trẻ cũng sẽ học được tính điềm đạm và sự bình bĩnh cần thiết khi bảo vệ quan điểm của mình.