Trang chủ / Đời Sống / Tình Yêu - Hôn Nhân / Đừng để sống thử thành ác mộng cả đời

Đừng để sống thử thành ác mộng cả đời

“Nếu bạn là sinh viên hãy quý trọng những giây phút đó, đừng để nó trôi qua một cách vô nghĩa. Hãy biến những năm tháng sinh viên là ngày được học hành, trải nghiệm đúng nghĩa của một sinh viên. Tình yêu sinh viên chỉ đẹp khi bạn biết yêu đúng cách, đừng như tôi biến quãng đời đẹp nhất đó thành những ngày ác mộng về sau”. Đó là chia sẻ của Đặng H. T., quê ở Quảng Trị, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội.

Tự mua dây trói mình
T. là cô gái xinh đẹp, tài năng và có giọng hát làm si mê không ít chàng trai trong trường. Chính vì vậy, mới năm nhất nhưng khi nhắc đến T. không ít người khen ngợi cô. Trong quá trình học, T. thường xuyên tham gia các câu lạc bộ của trường cũng từ đó cơ duyên T. quen Biên, một sinh viên năm 3 quê ở Nghệ An. Thời gian hoạt động chung ở câu lạc bộ, Biên thể hiện là một chàng trai galăng. Sự quan tâm, ân cần, lo lắng của Biên khiến T. cảm động và T. đã yêu Biên lúc nào không hay. Ngoài giờ học, đi đâu cả hai cũng như hình với bóng, những hoạt động tập thể của trường không vắng bóng của cặp đôi T.- Biên.

1
“Sống thử” có thể mang lại những hệ lụy khôn lường đối với các bạn trẻ.

Đi học xa nhà, chính vì vậy những ngày nghỉ nỗi nhớ nhà lại ùa về trong T. Để gần gũi cũng như lấy lòng T. cuối tuần nào Biên cũng đưa T. đi chơi hoặc đến phòng T. trò chuyện với T. tận khuya mới về. Để tránh gây phiền cho bạn cùng phòng của T. khi nghe tin bạn cùng phòng của mình sắp chuyển đi Biên đã bàn T. sang ở cùng, đắn đo mãi T. cũng đồng ý. “Thời gian đầu, cuộc sống của hai người như đôi vợ chồng mới cưới, ngoài thời gian đi học thì cả hai về ở phòng trọ, luôn hỗ trợ nhau mọi việc. Biên thích ăn cơm tự nấu hơn là ăn cơm bụi, nên sau mỗi buổi học tôi thường về nấu cơm, hạn chế tối đa tụ tập bạn bè cũng như sinh hoạt tại câu lạc bộ như trước đây. Dần dần, bạn bè em thường trêu đùa mình có con nhỏ”, T. cho hay.
Trong thời gian sống chung cả hai cũng có những dự định cho tương lai. “Sau khi ra trường cả hai sẽ tổ chức đám cưới, cùng nhau xây dựng gia đình… thế nhưng mọi chuyện không như dự định. Sống chung với Biên mình mới khám phá ra những thói xấu mà được vẻ hào hoa bề ngoài che đậy”.
Cái giá phải trả
Gần nửa năm góp gạo thổi cơm chung, T. nhận ra Biên thường hay cáu gắt, thô tục, ghen tuông vô cớ và sẵn sàng dùng bạo lực với mình. T. kể: “Những hôm đi học về muộn Biên hay tra hỏi, thường nghi ngờ mình gian díu với bạn trai trong lớp…”.
Biên càng bộc lộ rõ tính cách của mình hơn khi gia đình T. gặp biến cố. Đầu năm thứ 2 đại học bố T. gặp tai nạn, một mình mẹ T. vừa lo chạy chữa cho bố T., vừa nuôi 2 chị em ăn học. Hàng tháng mẹ T. phải cắt giảm số tiền sinh hoạt phí gửi cho T. “Có tháng mẹ chỉ gửi được một nửa tiền, thấy vậy Biên tỏ vẻ không hài lòng. Hay những tháng còn 10 ngày nữa mới đến lịch mẹ gửi tiền mà số tiền hai đứa tiêu còn lại chỉ cầm cự được 5 ngày nữa, Biên thường xuyên cáu bẳn, nói móc và thậm chí quát mắng trong bữa cơm” – T. tâm sự trong nước mắt.
Bệnh tình của bố T. ngày càng nặng, mẹ T. thường gửi tiền sinh hoạt phí ngày càng muộn càng khiến cho Biên có cơ hội để gây sự với T. nhiều hơn. Hễ T. tham gia hoạt động nào tập thể hay trò chuyện cùng bạn khác giới là Biên giở thói vũ phu, bạo hành. T. kể: “Biên không cho tôi tham gia bất kỳ hoạt động tập thể nào cùng lớp, lớp tổ chức đi du lịch tôi cũng không được đi. Không đi học thì phải ở nhà, nấu cơm giặt giũ. Muốn đi đâu phải có sự cho phép của Biên”. Mỗi lần không vừa lòng cái gì là đánh, cuộc sống ngày càng cùng bí, T. quyết định chia tay, nhưng Biên không đồng ý. “Biên dọa nếu bỏ đi Biên sẽ gọi điện về nhà và nói với mẹ hết sự thật ở đây. Mãi cho đến cuối năm 2 nhờ sự can thiệp của bạn bè, đồng thời, Biên cũng sắp ra trường tôi mới được giải thoát” – T. cho hay.

Theo Báo Lao động