Ngoài ngõ

Truyện của Chu Thùy Anh như muốn bay lên từ giấc mơ nhỏ, trong một chuỗi giấc mơ dài của cái viết. Cuộc sống hiện thực vốn pha trộn từ cái thấp lè tè, trần trụi đến cái sương khói lãng mạn, đã được Chu Thùy Anh lắng lọc trong truyện, theo một cách “lạ hóa” rất riêng. 

t12-1_opt_tnih

Một bà cụ già cô đơn quyết sống chôn chặt mình trong ngôi nhà mình, với hồi niệm rất nhiều đắng đót, rất ít ngọt ngào về quá khứ. Chu Thùy Anh đã khéo mơ màng và xếp đặt tế nhị cái sự tương phản vốn chói gắt của đời sống, pha trộn hài hòa giữa những chi tiết nghiệt ngã – hiện thực với chi tiết bay bổng – lãng mạn, khiến cho kết thúc truyện được đẩy lên như một giấc mộng lành.

Bà cụ mở then cổng – mở lòng, đi ra ngoài ngõ, về phía hàng cây tỏa hương mùa xuân, đi về phía niềm vui sống. Và bạn đọc hẳn thấy nhẹ lòng. Và nhẹ lòng, bao giò cũng là điều quyến rũ dành riêng cho cảm giác bạn đọc, từ cái duyên viết lặn vào trong truyện của Chu Thùy Anh…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Bà ngồi trước hiên, nghe tiếng chim lích chích nhảy, tiếng lá động dưới chân chim khe khẽ, tiếng gió luồn qua những cành cao để với tới những cành thấp. Tóc bà óng lên dù nắng hãy còn ngập ngừng đâu đó chưa tràn dưới mái hiên. Cô cháu gái thường dậy sau bà đôi chút, và như một thói quen, bắt đầu buổi sáng bằng việc đến sau bà, cầm lược, chải tóc. Tóc bà dài và mượt, thực ra chẳng bao giờ cần gỡ rối, nhưng cô luôn bắt đầu như thế, nâng lấy một lọn tóc nhỏ, chải dần từng đoạn từ đuôi tóc lên tới đỉnh đầu. Có đôi khi họ trò chuyện, lại đôi khi không, cả hai cùng lặng yên đắm chìm trong cuộc trò chuyện khác: Cô gái trò chuyện với những sợi tóc trắng óng, bà lão nghe đất trời kể chuyện.

Bà bảo năm nay không có mùa đông, rét chẳng ra rét, không biết liệu có một mùa xuân cho ra xuân được không, liệu cây cối có đâm chồi nổi. Cô bảo mùa đông năm nay ỡm ờ quá, thập thò rập rình mãi không thổi nổi hơi lạnh nào, nhưng thế nào xuân cũng đến, bởi đất trời không ngừng mơ về một mùa xuân.

Cuộc trò chuyện thường không đầu không đũa, kết thúc khi cô dừng lược và bà đưa tay tự vấn mái tóc của bà lên. Cô đi làm. Bà đi lại chăm sóc mảnh vườn nhỏ của bà. Khi nắng trào tới được dưới mái hiên, là khi chim đã thôi lích chích. Hoặc tiếng chim đã bị những loẹt xoẹt đi lại ngoài ngõ, những gióng giả hỏi han phía bên kia cổng nhà át đi mất. Bà tự nghe tiếng chân mình giẫm vỡ lá khô, nghe tiếng cành giật nảy mình khi bà dùng kéo bấm tỉa, rồi nghe chừng hơi nắng đã lên cao, thì bà đi vào nhà. Lâu lắm rồi bà chưa ra khỏi cổng. Tất cả mọi hoạt động của bà diễn ra trong mảnh sân này, dưới mái hiên này, trong căn nhà này. Tất cả mọi âm thanh bà nghe được dội lại từ chính lòng bà, bà sẽ lui bước quay đi và khép chặt cửa sổ khi nghe thấy những lao xao ngoài ngõ. Từ ngày, người ta cắt tóc bà.

Đó là khi nào bà không nhớ nổi nữa. Mà thực ra là bà rất nhớ, nhớ cho riêng mình bà, chẳng bao giờ bà nói cho đứa cháu gái biết. Khi đó tất cả phụ nữ đều phải để tóc giống nhau. Không có văn bản, không có luật lệ, không có thông báo dán trên bảng tin. Nhưng mọi phụ nữ đều phải có một mái tóc dài ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét. Chính xác là như thế, đo từ chân tóc tới ngọn tóc. Tại sao thì bà không nhớ nữa, chỉ biết đầu tiên có vài người để mái tóc như thế, một vài người ưu tú. Rồi dần dần cả ngõ, rồi dần dần cả phố, rồi hình như trong cả thành phố, phàm đã là phụ nữ, tóc phải dài ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét. Người ta cần tự động cắt cho đúng độ dài ấy, ai không tự giác sẽ được nhắc nhở, nhắc nhở vẫn không làm theo thì sẽ có một nhóm người bất ngờ tới, giúp thực hiện việc cắt tóc. Có vài người phản đối, lại vài người cáu giận, lại vài người nữa dấm dúi che giấu việc để tóc dài bằng cách này hay cách khác. Không ăn thua, ba bảy phảy ba xăng-ti-mét là một chuẩn đẹp mà ai cũng phải theo, không trốn tránh được. Xét cho cùng thì cắt tóc có gì là khủng khiếp mà phải trốn? Ấy là người ta lý luận thế, nhưng bà không nghĩ vậy. Chỉ có bà biết rằng, không thể cắt mái tóc của bà đi được. Không phải chỉ vì bà thích để tóc dài, mà bà cần để tóc dài. Bà suy nghĩ bằng tóc, bà yêu thương bằng tóc, bà nghe bằng tóc, bà ngửi bằng tóc. Đến một ngày khoa học sẽ chứng minh rằng không phải ai cũng giống ai, có thể có những con người chia đều bộ não của mình tới từng sợi tóc. Nhưng cái ngày ấy của khoa học còn chưa tới. Vậy là một ngày, một nhóm người tới tận nhà, đưa bà ra trước cổng, cắt tóc, làm gương. Buổi chiều khi con gái bà đi học về, bước qua cổng, thấy mẹ mình ngồi bất động dưới mái hiên, tóc dài ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét, nước mắt đã dài tới tận ngón chân út của bàn chân trái rồi. Cô con gái nhìn mẹ vừa lạ vừa quen, mẹ có một mái tóc quen, và một gương mặt lạ.

Cuộc đời của bà từ sau ngày đó, dừng lại sau cánh cổng. Cuộc sống vẫn diễn ra. Đông vẫn lạnh, hè vẫn nóng, người đàn ông thân yêu vẫn vuốt ve mái tóc mãi mãi bị thương của bà. Nhưng có những vết thương không sao lành nổi.

Giờ chỉ còn đứa cháu gái ở cùng bà. Những người chứng kiến dòng nước mắt dài tới tận ngón chân út của bàn chân trái ngày hôm đó lần lượt rời mái nhà này, đi xa. Cô cháu không bao giờ được biết câu chuyện ấy. Cứ cho rằng bà đã quên, cứ cho rằng mọi người tất thảy đều đã quên.

***

Khi bà lần theo những nhánh cỏ dại, tỉa đi cho khỏi hại đất, thì bỗng nghe cây nhọc nhằn đẩy chồi ra. Bà bần thần mất một lúc. Thế là mùa xuân cũng về. Ì ạch, chậm chạp, nặng nề trườn về sau một mùa đông dở dang, nhưng mà cuối cùng thì cũng có xuân. Tay bà lần trên những cành khô, khẽ chạm thấy có hơi thở khe khẽ nứt. Bà thở hắt ra một cái, như nhẹ cả người. Tiết trời càng ngày càng dở dang, không còn mùa nào cho ra mùa, không còn mưa cho đúng độ, nắng cho đúng mức, bà chỉ sợ những cái cây trong vườn của bà rồi không chịu nổi mà đi mất. Bao lâu nay bà chỉ còn những cái cây để trò chuyện, đến cả cây cũng đi thì bà biết trò chuyện với ai.

Sớm hôm sau, trong lúc đang ngồi dưới mái hiên và đưa chân chênh chếch ra phía trước chờ nắng rơi xuống, bà bảo cô cháu: Có khi, cháu cần mở mắt thật to, nhìn cho thật kỹ, ôm cả mùa xuân này vào lòng. Đến một lúc sẽ không còn mùa xuân này nữa đâu. Cô cháu mỉm cười trong lúc thả lược rơi từ đỉnh đầu bà xuống. Tóc bà mượt tới độ cái lược trượt xuống chân tóc. Hôm nào cô cũng thì thầm cháu muốn có mái tóc như của bà. Nhưng trời không cho ai tất cả, cháu có mắt tinh, cháu sẽ nhìn thay bà, ôm cả mùa xuân này rồi kể cho bà nghe. Nên thôi cháu không có tóc đẹp cũng được. Cô cháu, tất nhiên, không biết rằng, bà cũng từng tinh mắt, trước khi khóc đến mù lòa như bây giờ.

***

Mùa xuân đỏng đảnh bỗng trở ra rét đến phát buốt. Chưa bao giờ trời rét đến thế. Cháu bảo hay mình ngồi trong nhà, cháu sẽ kể bà một chuyện mới nghe được, ngoài hiên lạnh tới cứng cả mồm.

Cháu bảo, bà biết không, có một chuyện hay lắm nhé. Có thành phố nọ tất cả phụ nữ đều cắt tóc dài ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét. Chính xác là độ dài đó, không được dài hơn, ngắn hơn cũng được, nhưng không được ngắn quá. Mà bà biết lý do là gì không? À có một người phụ nữ đặc biệt, một người cần phải đẹp nhất thành phố đó và không ai được đẹp hơn. Một ngày bà ta phát hiện ra đầu bà có chấy. Trời ơi là chấy, chải mãi không hết, bắt mãi không xong. Có năm nhà bọ học làm việc hai mươi chín ngày và tìm ra độ dài tối thiểu để chấy có thể bám được là ba mươi bảy phảy bốn xăng ti mét. Nghĩa là sao bà biết không, nghĩa là tóc dài ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét thì chấy sẽ bị trượt chân và ngã, chấn thương sọ não, chết. Tóc ngắn hơn cũng được. Nhưng người đàn bà kia lại thích tóc dài cơ. Bà ta quyết định cắt tóc, dài đúng ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét. Thế mà hết chấy thật. Khoa học thật là kỳ diệu. Bà ta ghét tất cả những ai có tóc dài hơn bà ta, không thể chịu đựng được. Thế là có luật bất thành văn, tất cả phụ nữ trong thành phố, không tóc ai được dài hơn ba mươi bảy phảy ba xăng-ti-mét, cho dù phần lớn mọi người chẳng ai có chấy cả.

Thật là giống truyện cổ kể cho trẻ con, cô cháu kết luận!

Bà thì im lặng.

Bà những muốn bước ra khỏi cửa, lại với khu vườn của bà. Bà thấy nghẹt thở. Từ trong nhà, bà không thể thấy vườn của bà được. Mọi âm thanh và mùi hương đều dừng lại trước tấm kính dường như đang mờ đi vì lạnh. Trong đôi mắt loà của bà, khu vườn đã hoàn toàn biến mất, câm nín, lặng im ở một nơi xa thẳm.

Cô cháu, hôm nay nán lại đi làm muộn hơn một chút, vẫn giữ đuôi tóc trắng óng của bà. Cháu bảo ngoài kia, sau tấm kính, các cành mảnh khảnh run lên trong gió bấc, nhưng bà yên tâm, cháu vẫn thấy những chồi li ti lấm tấm rắc vương vãi ngoài vườn. Sau đợt rét này mùa xuân sẽ ập về, bà đừng lo. Mà có khi bà cũng nên mở cổng bước ra ngõ một chút, đầu ngõ mới thay một hàng cây rất thơm, thơm từ cành lá toả ra.

Chẳng bao giờ cô hỏi vì sao bà không ra ngoài ngõ, cô nghĩ đơn giản vì mọi thứ trong mắt bà đã trộn vào nhau thành một thế giới nhoè nhoẹt. Bà chỉ nên đi lại loanh quanh ở nơi mà có nhắm mắt lại, trời đất có thành một khoảng tối đen, bà vẫn bước đi được, bởi bà đã thuộc đến từng hạt bụi rơi ngang lối đi. Bà cũng không bao giờ giải thích vì sao bà chỉ dừng sau cánh cổng vườn. Một khi lòng đã khép lại, làm sao còn có thể bước đi.

Vậy mà chẳng hiểu sao cô cháu bỗng dưng lại đề nghị bà ra tới tận đầu ngõ. Có lẽ vì bà yêu cây. Có lẽ vì có hàng cây thơm thật đặc biệt. Hương toả ra từ những lá và những cành. Bà hẳn sẽ yêu những cây đó.

Một ngày rét mướt thật là không thích hợp để nói chuyện đi ra ngoài. Nhưng người ta lại cứ hay làm những điều không thích hợp.

***

Bà ngồi lại một mình, sát cạnh cửa sổ. Tiếng cổng cô cháu đã khép từ lâu. Bà áp mặt sát kính, mũi bà dính vào lớp kính buốt, hơi thở rơi ra khỏi người bà thì bám lấy mặt kính, rồi đọng lại, chảy xuống, thành những vệt mảnh dẻ trên lớp kính mờ. Bên ngoài hẳn phải rất ẩm và rất lạnh. Bà cứ ngồi như thế mãi, nghĩ về chuyện cô cháu vừa kể. Có những sự thật đã trở thành cổ tích. Hay là được kể như chuyện hài. Hay là được dùng để đẩy đưa trong khi thổi chén trà nóng cho nguội bớt. Bỗng dưng bà tự hỏi, ngoài kia, người ta có còn để tóc dài ba mươi bảy phảy ba xăng ti mét nữa không?

Điều gì đã giữ chân bà sau cánh cổng ngần ấy năm trời, bà không nhớ nổi nữa. Chỉ biết là đã có rất nhiều đau khổ, rất nhiều nước mắt, rất nhiều xót thương. Thậm chí, cả rất nhiều căm giận. Nhưng nỗi niềm nào rồi cũng trôi đi cùng mưa nắng. Mắt bà đã loà, gần như chẳng còn nhìn thấy gì được nữa. Từ rất lâu rồi bà không còn nhìn bằng mắt. Mái tóc bị thương mọc dài ra, nhưng mãi mãi không bao giờ còn có thể dẫn đường tinh tường được như xưa. Vết thương có lành, chỉ là lành lặn cái hình hài mà thôi. Sâu thẳm đâu đó, sẹo vẫn nằm im, chờ đợi.

Vết sẹo của bà có lẽ đã nhạt đi nhiều. Bà thấy an toàn và được che chở sau cánh cổng ấy. Bà khép lòng lại với thế giới ngoài kia. Bà chỉ còn mở lòng với cây cỏ và đất trời.

Cái ý nghĩ về một thứ cây hương toả ra từ những cành lá làm bà những muốn chạy nhanh ra đầu ngõ. Nhưng đã bao lâu rồi bà không chạy, đến đi lại còn khó khăn. Bà bước những bước chậm rãi, he hé cửa nhà. Gió xộc vào lạnh buốt. Trong gió lạnh ngoài mùi của ẩm ướt, lại có mùi của sinh sôi nảy nở. Bà khép cửa lại rồi chậm chạp đi qua khu vườn. Những cành cây lao xao bật mầm. Sự sống tưởng bị tê cứng lại, mà hoá ra đang âm ỉ trườn ra trong gió. Bà chạm tay vào cổng. Giật mình. Rút tay lại. Không biết bao nhiêu lâu rồi bà mới lại chạm vào chiếc chốt ấy? Cổng nhà bà không bao giờ khoá, mà ngoài cô cháu ra cũng chẳng bao giờ có ai buồn mở. Bà ngập ngừng, rồi gạt chốt sang bên. Cái chốt đã gỉ, kèn kẹt mãi mới nhích được một chút. Bà dùng hết sức đẩy cái chốt sang. Bà đưa cả hai tay kéo cánh cổng bé tý. Cổng nhích từng chút một. Trời lạnh, hình như không ai đi lại ngoài ngõ. Chỉ có tiếng gió miết trên những khe tường. Những âm thanh và mùi hương vừa quen, lại vừa lạ, tựa như những thầm thì trong khu vườn của bà, nhưng ra tới ngõ, lại trở nên lao xao, rì rào. Bà ngập ngừng đứng ở cổng, ngẩng đầu lên và hít thật sâu cái không khí ngoài ngõ. Bà phân vân mãi không biết có nên bước tiếp không. Xét cho cùng, mở lòng đã là việc nặng nhọc nhất rồi, có khó khăn gì dịch thêm một chút cánh cổng bé tý tẹo kèn kẹt cái bản lề hoen gỉ. Và bước ra ngõ, chỉ như được gió đẩy nhích đi một chút thôi.

Vậy là bà nhắm mắt lại, để gió đẩy, dịch về phía hàng cây hương thơm toả ra từ những lá và những cành.

Chu Thùy Anh