Trang chủ / Đời Sống / Tình Yêu - Hôn Nhân / Cuộc đời chỉ là vai diễn

Cuộc đời chỉ là vai diễn

Ngày Tú bỏ mẹ con tôi để đi ra nước ngoài chung sống với một một người đàn bà giàu có, tôi đã gắng gượng để sống tiếp.

Năm tháng qua đi rồi vết thương cũng lành, bé An cũng dần quên đi người cha bội bạc, trong ký ức của nó cũng không còn mấy hình ảnh thân thiết giữa nó và Tú. Thỉnh thoảng, An vẫn hỏi tôi: “Có ba thích hơn phải không mẹ?”. Đương nhiên là có ba thích hơn là chỉ có mình mẹ, nhưng tôi không bao giờ dám trả lời con, bởi biết rằng điều nó mong muốn không bao giờ xảy ra.

2
Tôi bảo con: “Mỗi người có một số phận. Dù có ba hay không mẹ cũng không để con buồn hơn các bạn”. An gật đầu không nói gì, nó trầm tư hơn những đứa trẻ cùng tuổi

An lên 6, tôi quen Lâm. Lâm đã có một đời vợ, anh ly hôn, con gái duy nhất ở cùng vợ anh. Lâm rất yêu tôi, anh bảo rằng cuộc hôn nhân đổ vỡ với người vợ trước là do cái tôi của hai người quá lớn. Cô ấy là vợ nhưng không bao giờ chịu nhịn chồng một bước. Lâm thì dễ dãi nhưng nóng tính, bất cần. Khi xung đột xảy ra, dù trong lòng vẫn còn yêu, anh nhất quyết im lặng. Khi vợ anh đệ đơn ra tòa, anh cũng im lặng. Điều anh muốn níu kéo nhất chính là cô con gái, thế nhưng anh biết, dù có thế nào, vợ anh cũng vẫn sẽ không chịu nhường nhịn. Nỗi đau lớn nhất chính là phải rời xa con. Vì thế, khi nhìn những đứa trẻ không cha hay không mẹ, anh không khỏi thương cảm xót xa.

Những điều Lâm nói khiến tôi cảm động. Người phụ nữ đã qua đổ vỡ cần nhất là một người đàn ông có lòng trắc ẩn.

Mỗi lần Lâm đến nhà tôi chơi đều mua quà cho An hoặc dành nhiều thời gian trò chuyện với thằng bé. Anh dạy con tôi học, chơi đàn, bàn luận về các vấn đề thằng bé yêu thích, thời gian rảnh thì chơi game. Thằng bé rất quý Lâm và tỏ ra quấn quýt. Có lần An hỏi tôi: “Con gọi bác Lâm là ba có được không mẹ?”. Tôi chưa cho phép con gọi Lâm như thế nhưng trong thâm tâm tôi đã mặc định, Lâm sẽ là ba của con tôi. Thế nhưng cái rào cản để tôi bày tỏ nhiều tình cảm hơn với Lâm vẫn chính là An. Tôi sợ rằng Lâm sẽ không thể vượt qua bức rào này để sống với tôi. Anh vẫn yêu tôi nhưng chưa hề ngỏ lời về một mái nhà chung. Tôi vì thế cũng cố giữ mối quan hệ ở mức cho phép, không quá kỳ vọng.

Nhận ra khoảng cách nơi tôi, Lâm bảo: “Em không thể yêu anh hết lòng được sao?”. “Em còn vướng bận con cái, làm sao có thể…”. “Con em cũng là con anh. Cưới nhau rồi mình cùng chăm sóc nó”. Được lời nói của Lâm, tôi như cất được ghánh nặng trong lòng. Tôi gật đầu đồng ý.

Đám cưới “rổ rá cạp lại” diễn ra đơn sơ mà ấm cúng. Tôi và An dọn về sống chung với Lâm. Trước mặt tôi, Lâm thể hiện là một người chồng, người cha mẫu mực, cho đến khi… tôi bắt gặp một lần ánh mắt anh nhìn con tôi…

An mới 6 tuổi, nghịch ngợm và hay chạy nhảy, hò hét. Nó có thể chạy nhảy trong nhà, trên ghế, trên giường hay bất cứ chỗ nào. Trước đây khi còn yêu tôi, Lâm thường vui đùa với bất cứ trò chơi nào cùng thằng bé. Còn bây giờ Lâm chăm chú xem tivi, nếu thằng bé nghịch ngợm thì Lâm tỏ ra khó chịu. Có lần, An chạy vào phòng riêng của hai vợ chồng tôi, leo lên giường để nhảy trên cái đệm lò xo. Chân nó bẩn, làm lấm lem tấm ga trải giường. Chồng tôi vội chạy vào, cầm tay con tôi lôi xuống đất, ánh mắt lạnh lùng đầy phẫn nộ. Lâm nghĩ tôi không biết nhưng tôi đã nhìn thấy tất cả qua tấm gương đặt trong phòng. Ánh mắt của Lâm khiến tôi lạnh người. Tôi linh cảm có những điều không hay.

Tôi nhận ra những thay đổi từ con. Nó không còn muốn đến gần Lâm nữa,thậm chí mỗi khi làm gì ầm ĩ là nó lại sợ Lâm, ánh mắt lấm lét nhìn Lâm. Khi nó đang bi bô kể chuyện ở lớp mà Lâm đi làm về là nó im bặt, lảng vào phòng riêng. Dường như nó rất sợ ba dượng.

Có lần, tôi vừa đi làm về thì thấy mắt con đỏ hoe, hỏi mãi nó mới nói: “Ba Lâm ghét con, ba nói con là con hoang. Con là con hoang phải không mẹ?  ba còn bảo nếu con còn nghịch ngợm ba sẽ .. xẻ thịt con, con sợ lắm”.

Nghe con nói xong, tôi lạnh hết cả người. Con tôi đã thiệt thòi vì không có cha, nó ao ước có được một người cha. Vậy mà bây giờ, con tôi tổn thương biết bao nhiêu khi chính người mà nó hy vọng nhất lại đối xử với nó một cách cay nghiệt như thế. Hóa ra “yêu con của vợ” chỉ là màn kịch mà Lâm đóng để lấy lòng tôi.

Đêm hôm ấy tôi đã nói chuyện thẳng thắn với Lâm, anh ta trả lời một cách trơ tráo: “Chẳng máu mủ ruột thịt, làm sao coi như con mình được. Em tưởng anh là bồ tát chắc?”.

Ngày hôm sau, tôi đặt lá đơn ly hôn trên bàn. Không chỉ vì con, mà vì chính tôi. Một người đàn ông máu lạnh và giỏi diễn không bao giờ mang lại hạnh phúc cho bất cứ ai ở bên cạnh anh ta. Tôi không muốn con phải tổn thương hơn nữa.

Minh Phương